2020-11-14 / By: Admin / 11638 lượt xem
Dạy chó không đái bậy ra nhà là điều đầu tiên người nuôi cún định làm khi đón cún về nhà mới.
Tuy nhiên, tất cả người nuôi chó đều chuẩn bị tinh thần trước đó rằng vào một ngày nào đó, cún bất chợt tồ bậy ra nhà và đây là điều không thể tránh khỏi. Rõ ràng đây là một vấn đề cần giải quyết càng sớm càng tốt.
- Bước đầu tiên là tìm hiểu tại sao chó của bạn đi tiểu trong nhà? Có thể bởi vì nó uống quá nhiều nước và bạn quên cho nó đi dạo đúng giờ, hay là do cửa nhà vệ sinh đóng kín. Nếu bé nhà bạn vẫn là một cún con, cũng có thể quá trình huấn luyện vẫn chưa hoàn tất. Tuy nhiên, nếu bạn ấy là một cún đã trưởng thành và quá trình huấn luyện đã hoàn tất, chúng ta có lẽ cần theo dõi các lý do tiềm ẩn được đề cập sau đây.
1. Bệnh Đường tiết niệu.
Nếu con chó đột nhiên bắt đầu đi tiểu trong nhà (hoặc những nơi không thể chấp nhận khác), có thể lý do bởi nhiễm trùng đường tiết niệu. Đây cũng là một trong những lý do phổ biến nhất cho việc đi tiểu mất kiểm soát và là một trong những vấn đề sức khỏe thường gặp nhất ở chó. Bài viết này không đề cập chi tiết đến căn bệnh, nhưng các dấu hiệu liên quan cần dè chừng là đi tiểu nhiều lần, mỗi lần có thể chỉ tiểu một chút, nước tiểu vẩn đục có nhiều bọt và có mùi nồng hơn. Vậy đừng vội trách móc chú chó tội nghiệp, hãy đưa chú đến bác sĩ thú y để xét nghiệm ( hầu hết các vấn đề tiết niệu được điều trị khỏi bằng thuốc).
2. Tiểu mất tự chủ.
Đây là một bệnh lý thường chỉ gặp ở những chú chó già (bắt đầu già), nhưng thi thoảng thì bệnh vẫn được gặp ở những chú chó còn trẻ. Dấu hiệu để nhận biết vụ việc này là khi chó bắt đầu các dấu hiệu rò rỉ nước tiểu nhỏ đến nặng hơn là tiểu tiện không thể kiểm soát, nước tiểu rò rỉ có thể gây kích ứng da và gây tấy đỏ, chú chó bị bệnh đi tiểu không kiểm soát thường để lại các vũng nước tiểu ở nơi nó nằm ngủ. Điều quan trọng cần được thông cảm là chó không nhận ra điều gì đang xảy ra và nó không kiểm soát được.
Bệnh đi tiểu không tự chủ có thể được chữa bằng thuốc, nhưng nó khiến bạn phải tìm kiếm một khu vực dễ chịu như bãi đất hoặc sàn nhà vệ sinh để cho cún nằm, ngoài ra hiện tại sản phẩm tã bỉm cho cún không đắt và chính là một cứu cánh hoàn hảo để bạn giữ vệ sinh cho cún.
3. Tuổi già và các bệnh ở chó.
Chó con cũng có thể bất chợt gây phiền phức khi đái lung tung ra nhà, nhưng tuổi già thường đem đến những căn bệnh mãn tính khác là căn nguyên của hành vi tiểu bậy, chó già có nhiều nguy cơ suy thận, mất trí nhớ, lão hóa, nó chẳng nhớ nó đói hay no, nó có thể ăn liên tục hoặc không thèm ăn gì ( hỏi đáp hành vi ở loài chó phần 4 mục 8/9). Thậm chí chó già còn quên mất nơi nó đang ở cơ mà!
Thuốc bổ, vitamin, cũng là những thứ nên cung cấp cho những chú chó già, nhưng lại một lần nữa bạn có thể sử dụng bỉm cho chó hoặc tã lót thấm nước.
4. Vấn đề hành vi.
Lý do còn lại sau khi đã loại trừ hết những lý do ở bên trên sẽ khiến bạn quay lại giai đoạn huấn luyện một lần nữa: có khả năng bạn và chú chó đang đối mặt với một vấn đề hành vi ^^. Một số chó, đặc biệt là giống đực, có một sự cố chấp với các hành vi đánh dấu. Hành vi đánh dấu ( lãnh thổ) hoặc theo một số chủ nuôi vẫn vui đùa là 'check-in' được điều khiển bởi hormone giới tính, nhưng nó dễ trở thành thói quen và tiếp tục ngay cả sau quá trình đào tạo, huấn luyện.
Và một khả năng khác là con chó của bạn có thể có biểu hiện tiểu tiện phục tùng hoặc thể hiện phấn khích. Điều này xảy ra nếu con chó của bạn bị đe dọa bởi bất kì điều gì. Một số chó thường đi tiểu khi ai đó đứng trên chúng và nhìn xuống... ehe, bạn nhớ đúng rồi đấy, chính là 'sợ vãi đái' mà ai nuôi chó cũng từng gặp, đặc biệt là nếu con chó còn nhỏ hoặc quá sợ hãi. Okey, vậy một vài ví dụ cho mấy việc cần làm là: Kiểm tra tình hình trong nhà để xác định xem một cái gì đó trong môi trường có thể kích hoạt loại hành vi tiểu bậy ở con chó của bạn. Gần đây bạn đã mang một vật nuôi mới về gia đình? Đã có thêm một thành viên con người vào gia đình, một đứa trẻ mới sinh?
Có ai đó trong gia đình gần đây đã rời đi? Chó thường rất nhạy cảm với những thay đổi môi trường xung quanh. Có lẽ con chó của bạn nhìn thấy một đứa chó khác? nghe thấy tiếng từ một dự án xây dựng 'khủng' ở gần? kiểu gì thì nó cũng đang thấy một điều gây khó chịu.
5. Ngăn không cho chó đái bậy ra nhà.
Cần kiên quyết không trừng phạt hay đánh đập bé chó vì không chắc nó sẽ hiểu đúng thông điệp bạn truyền đạt thông qua việc đánh đập, mà ngược lại còn có thể làm cho nó sợ đi tiểu trước mặt bạn (ngay cả ngoài trời), điều này có thể dẫn đến nhiều trường hợp đi bậy lung tung khác.
Tập cho chó đi vệ sinh đúng quy định bằng cách đưa nó ra công viên, nơi không có người qua lại và có cỏ, cây cối, sau mỗi bữa ăn uống và sau những khi nó vừa ngủ dậy. Chỉ cần làm tốt việc này, dù không mất nhiều công huấn luyện thì cún vẫn sẽ tự hình thành thói quen và không bao giờ muốn đi bậy ra nhà.
Huấn luyện lại: Khi hoàn cảnh không cho phép bạn đưa cún đi chơi, lúc này cách thức duy nhất là quy định lại khu vực vệ sinh cho phép và thực hiện huấn luyện lại cún từ những bước đầu, bạn cũng cần tìm hiểu rõ căn nguyên khiến cún đi bậy ra nhà để có thể điều chỉnh phương pháp huấn luyện phù hợp hơn.
6. Hướng dẫn làm sạch nhà khi bị chó đái bậy.
Làm sạch nhà sau khi cún tiểu ra nhà là một yêu cầu bắt buộc, không phải chỉ vì mùi khai nồng nặc trong không gian sinh hoạt, việc làm sạch dứt điểm mùi khai của nước tiểu sẽ đảm bảo chú chó không tiếp tục đi bậy lên chỗ đó ( loài chó có thể tiếp tục đi bậy ra những vị trí có sẵn mùi chất thải của chính nó). Chúng ta xem xét các hướng dẫn làm sạch hoàn toàn vết chó đái lên vật dụng trong nhà:
A) Thảm trải sàn / mặt sofa:
Phương pháp 1: lau sạch thảm trải sàn và mặt ghế sofa bị chó đái vào:
1, Thấm hết nước bẩn: Đặt một tấm giấy vệ sinh dày (*hoặc khăn giấy ướt) lên phía trên khu vực dính bẩn, và nếu có thể thì đặt thêm 1 cái xuống mặt dưới.
2, Lấy một tấm giấy báo che lên trên, sau đó bạn có thể đứng lên tấm báo một lúc để giúp nước tiểu thấm vào giấy vệ sinh nhanh hơn.
3, Để một lúc để vết bẩn thấm vào giấy vệ sinh, loại bỏ tất cả giấy vệ sinh và lấy khăn bông lau kĩ để thấm hết nước từ vết bẩn.
4, Sử dụng baking soda rải một lớp mỏng và đều lên khu vực dính bẩn (ít hơn 1/4 cốc là đủ).
5, Sau một đêm thì lấy máy hút bụi hút sạch baking soda đi, lúc này bạn sẽ thấy vết bẩn từ nước tiểu của chó từ hôm qua đã hoàn toàn biến mất.
Phương pháp 2:
1, Chuẩn bị bình xịt, giấm, 2 thìa cafe nhỏ baking soda, nước sạch.
2, trộn đều các nguyên liệu trên vào trong bình xịt rồi lắc đều.
3, xịt dung dịch tẩy trên trực tiếp lên khu vực dính bẩn.
4, sau 15 phút thì lấy khăn khô thấm sạch hoặc lấy máy sấy khô khu vực ảnh hưởng, tất cả mùi khai và vết bẩn đã biến mất.
Chú ý: KHÔNG sử dụng chế độ sấy nóng, vì nhiệt sẽ tạo ra mùi và vết bẩn vĩnh viễn. Trong trường hợp bạn phát hiện ra khi vết bẩn đã khô, hãy sử dụng khăn ướt để thấm nước vào vết bẩn, đợi đến khi nước ngấm chỗ bẩn thì thực hiện lại 2 phương pháp trên.
Đối với trường hợp một vết bẩn đã khô từ lâu và khó làm sạch hoàn toàn với 2 phương pháp trên, hãy sử dụng dung dịch tẩy rửa enzyme, chất tẩy rửa dựa trên sinh học này hoạt động ở cấp độ phân tử để dễ dàng phá vỡ và loại bỏ mùi hôi và vết bẩn.
B) Chó đái ra sàn gỗ:
Phương pháp làm sạch ngay khi thấy chó đái bậy ra sàn gỗ:
1, Sử dụng giấy vệ sinh hoặc tấm bọt rửa bát đặt trực tiếp lên chỗ bẩn.
2, Lấy tờ báo lót lên trên và trực tiếp đứng lên để tăng tốc độ hấp thụ nước bẩn cho miếng bọt rửa.
3, Tiếp tục vắt khô thấm tiếp hoặc sử dụng giấy vệ sinh mới để thấm nước ngay cho đến khi miếng giấy thấm mới không còn dính ẩm nữa.
4, Dùng nước thơm lau sàn hoặc nước rửa chén bát đã pha loãng để khử mùi cho khu vực bẩn.
Chú ý quan trọng: khi chú chó trót tiểu ra sàn gỗ, yếu tố tiên quyết là làm sạch theo phương pháp trên ngay lập tức hoặc càng sớm càng tốt, rất khó loại bỏ mùi hôi đã khô từ sàn gỗ cứng vì nước tiểu có thể bão hòa thớ gỗ.
Cách làm sạch sàn gỗ khi vết bẩn đã khô:
1, Đầu tiên là sử dụng dung dịch giấm - soda - nước pha loãng như khi bạn làm sạch vết bẩn ở thảm và sofa. Dùng một miếng bọt biển chà xát dung dịch này lên chỗ sàn bị bốc mùi.
2, Sau đó dùng một loại chất tẩy rửa enzyme lau qua, chú ý rằng bạn đã lựa chọn loại dung dịch enzyme không làm hỏng sàn gỗ.
Trên đây là những trường hợp khó làm sạch và khử mùi nhất với vật dụng trong nhà, những trường hợp khác đều được làm sạch dễ dàng bằng các phương pháp này, chú ý là bạn cần làm sạch hoàn toàn vết bẩn mà chó gây ra càng sớm càng tốt để tránh 'ngựa quen đường cũ' và cũng là để thiết lập lớp rào bảo vệ hiệu quả 'một lần và mãi mãi'.
Các bài viết liên quan